Người đáng trách vạn lần...















Hà Nội, chủ nhật ngày 11/04/2010
Mẹ đang ngủ, một giấc ngủ vừa đến sau hai ngày bận rộn và mệt mỏi. Hôm nay, ngay giây phút này đây tôi mới thực sự được nhìn rõ khuôn mặt mẹ. Nói như vậy thấy mình thật là một người con thật chẳng ra gì. Mới bước sang tuổi 40 nhưng khuôn mặt mẹ tôi đã có những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt hiền hậu đó…
Chiều nay tôi đưa mẹ lên trường thăm thằng em trai đang theo học trường Sĩ quan lục quân 1 ở Sơn Tây. Hôm qua mệt vì đi xe, hôm nay mẹ lại phải tiếp tục cuộc hành trình ra Hà Nội của mình bằng việc lên trường thăm con trai. Đây là lần đầu tiên mẹ tôi đi xe bus. Tôi thấy thương mẹ vô cùng. Chuyến xe lên Sơn Tây hôm nay, mà không phải chỉ riêng hôm nay mà hầu hết tất cả mọi chủ nhật đều như thế cả, đông nghịt người. Nhìn khắp nét mặt của mọi người trên xe, không một chút tình cảm nào mà thay vào đó là một sự lạnh lùng như đang đấu chiến với nhau vì chỗ ngồi trên xe vậy. Tôi và mẹ lên xe sau nên cũng không có chỗ. Nhìn thấy mẹ phải đứng lòng tôi đau quặn lại như chưa từng bao giờ như vậy. Nét mặt mẹ hiền hậu hiện ra rất rõ trong số đám người đông nghịt kia, không thể lẫn vào đâu được. Người nông dân 100% đã làm mẹ tôi khác hoàn toàn so với những người khác. Lúc chia tay, có lẽ ai cũng lưu luyến không muốn đi nên cứ đứng mãi. Tôi chụp ảnh cho mẹ và Hệ, rồi tôi và mẹ ra về. Thỉnh thoảng quay lại sau, tôi vẫn thấy Hệ đang đứng đó nhìn mẹ và tôi bước đi…
Em tôi, lẽ ra nó đã được tự do như những đứa bạn cùng lứa khác, thế nhưng… “Bộ đội” – hai từ đó có lẽ cũng đủ nói lên tất cả. Nhìn những lớp đàn em sinh cùng năm với em trai mình đang được hưởng thụ cuộc sống thực ngoài đời, dù hạnh phúc hay đau buồn thì ít ra đó cũng là một niềm hạnh phúc. Nhưng em tôi… Mọi người ai cũng bảo bây giờ làm bộ đội thì thật là sướng, nhất là những người thi đỗ ĐH Lục quân như nó. Thế nhưng điều đó đối với tôi và có lẽ cả với em tôi cũng vậy, niềm vui cũng có nhưng nỗi buồn và sự cô đơn thì còn nhiều hơn. Cùng một thời gian, trong cái khoảnh khắc mọi người đang được quây quần vui vẻ bên gia đình thì nó lại phải ở trong cái mà người ta thường gọi là khuôn khổ đó. Ở đó chắc rèn luyện nhiều lắm, chắc vất vả nhiều lắm. Tôi nghe mọi người luôn bảo Lục quân là trường chịu sự vất vả nhất trong quá trình rèn luyện và học tập. Tôi cũng chỉ được nghe và biết vậy thôi chứ tận mắt chứng kiến thì chưa hề có dịp nào cả. Lần thứ hai lên thăm em trai, đi cùng với mẹ, tôi thấy nó gầy và đen đi nhiều. Nhớ lúc trước, ngày còn đi học phổ thông, ai cũng luôn khen nó có nước da trắng đẹp và khỏe mạnh, còn bây giờ thì… Sự khắc nghiệt của nắng mưa đã lấy đi làn da đó, sự huấn luyện đã làm nó gầy đi trông thấy. Nhìn thấy em, tôi muốn trào nước mắt. Dù không được tận mắt chứng kiến em mình phải rèn luyện như thế nào nhưng tôi cũng có thể tưởng tượng được rằng nó chắc chắn phải ghê gớm lắm. Tôi thương em nhưng không biết phải nói thế nào, chỉ nén giữ trong lòng. Đẹp trai là thế, trắng trẻo là thế, nhưng bây giờ em tôi dường như đã bị già trước tuổi. So với bạn bè nó thì… có lẽ nếu đứng xếp cùng một hàng sẽ chẳng ai cho là đó là bạn bè cùng trang lứa. Tôi chẳng giúp gì cho em được. Lúc tôi ôn thi đại học, nó đã làm hết mọi công việc trong nhà cho tôi, đã tạo điều kiện cho tôi ôn thi để rồi đậu đại học. Thế nhưng… lại là thế nhưng, lúc đến lượt nó thì tôi lại chẳng làm được gì. Lúc nó đang phải bận rộn ôn thi với bao sức ép thì có lẽ tôi lại đang vi vu bên đám bạn mới nơi cổng trường đại học nơi đất Huế thương yêu rồi. Tôi đúng là một người chị mà thật chẳng đáng làm chị chút nào.
Lên thăm em, tôi biết từ giờ trở đi, nhất là trong thời gian sắp tới này, tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều. Cố gắng làm việc thật tốt, cố gắng làm người chị tốt. Hai chị em cười nói, nói chuyện với nhau vui vẻ. Tôi bỗng nhận ra ánh mắt long lanh vui vẻ của mẹ, ánh mắt mà từ trước tới nay tôi đã thờ ơ và vô tình, không kịp nhận ra.
Hai mẹ con ra Hà Nội, để bố ở nhà một mình với ổ lợn mới sinh. Đúng là càng nói ra càng thấy ghét bản thân mình mà. Để có tiền nuôi hai chị em, bố đã phải vất vả biết bao nhiêu. Cứ nghĩ đến bố tôi lại thấy bàn tay sần sùi, lem nhem, mất thẩm mỹ ấy. Tôi đã không biết được rằng, đôi bàn tay ấy đã phải làm lụng, vất vả bao nhiêu để có thể có tiền gửi đều đều vào cho tôi từng tháng một. Thế mà tôi lại cứ suốt ngày nói rằng “Người bố cái gì cũng xấu. Con giống bố nên chẳng có gì đẹp cả…” Rồi bố lại cười sau những câu nói vô tình đó của tôi. Đáng lẽ ra tôi phải nghĩ đến những buổi trưa hè nóng nực, khi những người bố khác đang được ở nhà nghỉ trưa quạt mát thì bố tôi lại phải đứng dưới trời nắng chang chang tiếp xúc với bao nhiêu là vôi vữa để làm nên ngôi nhà mới cho người ta. Có một lần tôi đã trực tiếp thấy bố tôi làm việc. Mặt mũi đầy mồ hôi, rơi xuống đám hồ đang trộn đó. Chiếc áo cộc và chiếc quần đùi, giữa trời nắng, trộn hồ rồi lại xách hồ tới cho người khác xây. Cứ thể, trộn đi trộn lại, chạy đi chạy lại, tôi đã không kìm được nước mắt… Lúc đó tôi đã thể rằng sẽ kiếm thật nhiều tiền để bố được ở trong nhà mà không cần phải đứng nắng như vậy nữa. Ấy thế mà, thời gian đã làm tôi quên đi lời thề đó. Biết bố ở nhà một mình không biết có nấu cơm ăn không hay lại chỉ ăn mì tôm, không biết lúc đi xây về, bố có được chút thời gian nghỉ ngơi không hay lại phải lăn xả vào mấy ổ lợn kia, tôi đã nghĩ đến và rồi lại quên việc gọi điện về cho bố. Để rồi tới sáng nay bố phải gọi vào cho tôi. Bố buồn vì con lắm phải không bố? Con xin lỗi. Con thực sự xin lỗi…
……………….

1 nhận xét: